Vì sao chưa “chen chân” được vào chuỗi cung ứng?
Việc liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia được cho là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên thực tế, dù đã có nhiều cố gắng và triển khai không ít các hoạt động kết nối nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến, chế tạo tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai.
Như vậy, có thể nói khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, sự liên kết này còn lỏng lẻo là bởi nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là do nội lực của ngành công nghiệp còn hạn chế.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, ngoài xuất phát điểm thì phải kể tới đặc thù của ngành công nghiệp này là ngành yêu cầu tập trung vốn, công nghệ. Đây lại là hai điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn lực. Vì thế, năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu là hạn chế.
Bên cạnh đó, tính liên kết giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, có thể nói là còn yếu. Tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp nội thường chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai, người ấy làm” hoặc “làm tất, ăn cả”; chỉ quan tâm đến việc tìm manh mối làm ăn cho riêng mình, cũng chưa nhận thức được đầy đủ những lợi ích to lớn của việc liên kết thành cộng đồng doanh nghiệp nội địa hoặc giữa doanh nghiệp nội với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí ngay cả trong những lĩnh vực có thế mạnh.
Liên quan đến hạn chế này, ông Phạm Anh Tuấn cũng nhìn nhận, hiện Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Trình độ doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Công tác R&D (nghiên cứu và phát triển), phát triển sản phẩm mới chưa được quan tâm và thiếu nguồn vốn đầu tư.
Trong khi đó, việc ban hành và bố trí các nguồn lực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn chưa hiệu quả do mâu thuẫn chồng chéo của các luật ngành khác.
Hình thành mạng lưới doanh nghiệp nội địa
Cho rằng sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI là vấn đề then chốt của công nghiệp Việt Nam, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Muốn tham gia chuỗi phải tạo và xây dựng, phát triển chuỗi của người Việt do doanh nghiệp Việt dẫn đầu.
Trong trường hợp chưa có được điều đó thì phải chú ý làm sao các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt.
Tình huống tham gia vào chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt khá khó khăn vì họ có chuỗi cố định, nhiều doanh nghiệp đã đi cùng với họ. Khi họ đến một quốc gia khác, nếu doanh nghiệp nước sở tại không đáp ứng được yêu cầu, họ sẽ có lý do để đưa doanh nghiệp của họ vào. “Như vậy, sân chơi dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, lợi ích dành cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị mất đi. Nếu không có chiến lược thì Việt Nam ngày càng ở thế bất lợi. Việc gia tăng sản lượng công nghiệp không hoàn toàn tương ứng với năng lực của sản xuất công Việt Nam theo đúng nghĩa gốc“, PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhìn nhận các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đi vào triển khai thực tế còn khiêm tốn. Trong khi đó, hiện nay để phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó hơn trước rất nhiều, đối thủ là Trung Quốc, Ấn Độ – tính chuyên nghiệp của họ cao. Do vậy, Nhà nước cần phải xây dựng định hướng phát triển cụ thể, cũng như ưu tiên cho từng ngành. Nhà nước muốn có ngành công nghiệp hỗ trợ cho ô tô hay cơ khí, chứ không thể nói công nghiệp hỗ trợ chung chung.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo bà Trần Thị Thu Trang – Giám đốc Công ty CP sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel: Có 3 vấn đề cần được giải quyết triệt để nhằm tránh mất cơ hội. Thứ nhất, các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài tham gia là các doanh nghiệp đầu chuỗi. Theo đó họ sẽ có sự ưu tiên cho các doanh nghiệp của nước họ và đây là điều tất nhiên chúng ta không thể “chen chân” vào.
Thứ hai là cạnh tranh về giá vẫn là thách thức, đây là cạnh tranh sòng phẳng toàn cầu. Các nước cho vay ưu đãi Chính phủ 0,5-1%, còn Việt Nam lãi suất cho vay đến hơn 6%.
Thứ ba, cần giải quyết triệt để vấn đề nguyên vật liệu bởi việc nhập khẩu làm cho giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, muốn nâng cao vị thế cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải học tập liên tục và luôn phải có chiến lược, tầm nhìn đi trước mới có thể đáp ứng mong đợi của khách hàng…
Đưa ra những giải pháp cụ thể, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho rằng, thời gian tới cần phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng Luật về phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, thay đổi tư duy, hướng tiếp cận về công nghiệp hoá, hiện đại hoá chuyển dịch từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc gia công, lắp ráp sang chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh nền công nghiệp trong nước.
“Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại, từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”- ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.